top of page

Đi tìm Phong (Finding Phong), chuyển giới - một câu hỏi xã hội mang tính toàn cầu.



Ngày 15 tháng 7 năm 2018 / Hervé Hubert


Bộ phim mở đầu bằng một hình ảnh chân thực và đầy ý nghĩa: khuôn mặt con người.

Máy quay chầm chậm chuyển động từ trên xuống, ánh mắt người xem bắt gặp đôi mắt, cái mũi đến khuôn miệng. Khi một “bức chân dung” hiện ra trước mắt người xem, đủ đầy và rõ nét, hai tiếng “Má ơi” vang lên như tiếng gọi dồn nén từ sâu bên trong cơ thể, một thông điệp mang tính vũ trụ truyền tải một nỗi đau được xây dựng từ bi kịch một con người, bắt nguồn từ khuôn mặt, thân thể mà họ không có quyền chọn lựa.

Rất nhanh chóng, chúng chỉ ra thứ làm nên đặc tính của loài người : một sự nối kết, ràng buộc mang tính vật chất giữa ngôn từ, hình ảnh và những cảm giác về cơ thể, sự nối kết vật chất làm nên nền tảng của nhân dạng.

Bộ phim được thực hiện dưới hình thức một cuốn phim nhật ký. Máy quay đã trở thành người bạn đồng hành của Phong, vụng về nhưng chân thực ghi lại những lát cắt trong hành trình tìm lại bản dạng giới đích thực của mình, bên cạnh gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các “đồng sự con người” khác mà anh gặp gỡ. (Thuật ngữ đẹp đẽ “đồng sự con người” tôi mượn từ bác sĩ tâm thần chống tâm thần học người Mỹ, Thomas Szasz).

Tiếp đó, một câu nói kinh ngạc được Phong nhắn nhủ đến gia đình, ba và má, các anh trai và chị gái: “Má với chị với anh, con quay những clips như thế này là để con lấy lại những cái hình ảnh đẹp của con nhưng mà toàn những hình ảnh mà con khóc”. “Con hy vọng rằng là má và anh, chị cũng đừng có xem cái cuốn phim này của con. Đây là cuốn phim nhật ký của con. Mọi người đừng có xem. Con hy vọng là mọi người không xem được bộ phim này.”

Cơ sở của việc thực hiện những thước phim này bị buộc trong chuỗi mâu thuẫn của nhân vật chính : muốn giữ lại một hình ảnh đẹp của bản thân trước khi đi thực hiện cuộc chuyển đổi thành nữ giới. Những giọt nước mắt rơi như minh chứng cho sự đấu tranh giằng xé giữa việc giữ gìn chữ hiếu hay đi theo thôi thúc nội tâm, làm đứa con trai điển trai của mẹ hay tìm về bản dạng giới đích thực mà Phong khao khát: là một người phụ nữ.

Tình yêu thương dành cho mẹ, cho gia đình đặt cạnh tình yêu sâu kín dành cho bản thân khiến cuộc đấu tranh nội tâm thêm dữ dội, chính vì vậy mà ngay sau đó Phong đã bộc bạch niềm mong muốn giữ những thước phim này bí mật với gia đình mình : “Con hy vọng rằng là má và anh, chị cũng đừng có xem cái cuốn phim này của con. Đây là cuốn phim nhật ký của con. Mọi người đừng có xem. Con hy vọng là mọi người không xem được bộ phim này.”

Trong vài hình ảnh và lời nói, cùng những cộng hưởng từ phần nhìn và giọng nói từ bên trong cơ thể, theo ý kiến cá nhân tôi, đã tự nó nêu lên bản chất của vấn đề : sự nối kết vật chất giữa những cảm giác về cơ thể, giữa làn da, hình ảnh thật của con người anh và hình ảnh của anh trong mắt những người xung quanh, mà đầu tiên phải kể đến là gia đình – nhóm xã hội đầu tiên mà anh tiếp xúc- đã không hoạt động. Sự nối kết xã hội tự nhiên đã không được thành lập. Danh xưng “Con trai” không trùng khớp với cảm giác về cơ thể cũng như với hình hài khuôn mặt anh – đôi mắt, cái mũi và cái miệng. Cảm giác choáng váng, thiếu hụt, sự tước đoạt bản dạng giới đích thực đã chia rẽ, gây nên xung đột trong những mối liên hệ của anh với người khác. Giữa xã hội, anh phải đóng vai một người con trai : “ mày có dương vật, mày là một thằng con trai”. Cơn choáng váng từ trong sâu kín, riêng tư lúc ban đầu đến một thời điểm không được định trước sẽ phải bộc lộ ra bên ngoài, đi kèm một nỗi sợ hãi chính đáng, từ đó mà ta thấy thông điệp được truyền đi có vẻ ngoài mâu thuẫn với lời được nói ra.

Bước chuyển khó khăn từ bí mật riêng tư sang công khai trong đoạn phim được liên kết với thời điểm chuyển từ năm cũ sang năm mới. Cảnh pháp hoa rực rỡ đêm giao thừa đối lấp với sự lạc lõng, cảm giác bị tước đoạt quyền được là chính mình. Phong không tìm thấy sự kết nối, không thể hòa nhập với mọi người, không thể gia nhập cùng hội con gái: “Con nói như thế này là con rất là xấu hổ”. Để rồi cảm xúc dâng lên đỉnh điểm khi Phong khẳng định : “Con muốn tìm lại bản thân của mình, dù có chết đi cũng được”. Cuộc chuyển đổi được đánh cược bằng một cái chết, một cuộc đối mặt với cái chết. Kinh nghiệm cá nhân khiến tôi có thể nói rằng cái chết được nhắc đến là cái chết của một giá trị trong một hệ thống vận hành, mà hiện tại ở đây là giá trị “đàn ông”, và hơn nữa cái chết này không bị tác động, có hiệu lực hay sinh ra trong một hệ thống đơn dòng mà là trong một hệ thống đa dòng.

Đó cũng là điều mà bộ phim truyền tải trong phần hai, với sự giao thoa của nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau và đa dạng : mối liên hệ với gia đình, với các cô bạn, với những người chuyển giới khác, và với công việc.

Tại sao tôi lại nói đến phần thứ hai của bộ phim? Chúng ta nhận thấy cách sử dụng máy quay đã được thay đổi. Ở phần mở đầu, những khung hình vẽ nên một bộ phim nhật kí, với những lời tự sự và khuôn mặt trực diện với người xem. Những lời nói bộc bạch thường gửi đến Mẹ, với nỗi day dứt sợ mẹ buồn. Tình yêu dành cho người mẹ khiến Phong nhiều lần bộc bạch sự hoài nghi với quyết định chuyển đổi giới tính của mình: “Nếu con đi thì làm má buồn!”. Hình ảnh người mẹ quay lưng khi Phong rời đi, những giọt nước mắt không dám rơi trước mặt con càng khắc sâu thêm nỗi cô đơn khi Phong trở lại Hà Nội. Ở đây đặt ra câu hỏi về tình yêu của anh dành cho hình ảnh của mình trong mắt người mẹ, điều mà có thể trở thành một rào cản khiến Phong giằng xé trước khi đưa ra quyết định.

Quyết định cuối cùng được đưa ra trong cảnh tiếp theo của bộ phim, phân đoạn Phong xem các sơ đồ phẫu thuật chuyển giới và sơ đồ quá trình chuyển đổi từ dương vật sang âm vật. Anh đã vứt bỏ lại phía sau những lời oán thán, nỗi đau đi liền với tình yêu. Như cách một bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành ca mổ sao cho không để bị cảm xúc ảnh hưởng đến thao tác, anh buông lời nhận xét : “Giống như một con heo ấy, bị người ta mổ xẻ”. Vai trò của tình yêu trong cuộc chất vấn về nhân dạng của anh đã thay đổi. Một lần nữa anh nói về nỗi đau, nhắc đến việc gia đình anh sợ rằng anh sẽ phải đau đớn. Anh xin lỗi cũng đồng thời khẳng định rằng mọi người không cần phải lo lắng cho anh : anh sẽ phải chịu đau đớn một lần nhưng bù lại sẽ có cả một cuộc đời hạnh phúc.

Anh đã vượt qua được tình yêu, thứ đã trói buộc anh trong nỗi đau lặp đi lặp lại, anh đã vượt qua được mặt khoái lạc gắn liền với sự phô bày nỗi đau. Từ đó anh đặt ra câu hỏi về việc chuyển từ bí mật riêng tư sang công khai nhưng trên thực tế anh đã vừa giải quyết được nó. Tất cả đã được khởi động, và anh đã tự giải thoát cho mình. Sự giải thoát này mang đến cái “giá trị hơn” của cuộc đời của anh, đó là niềm hạnh phúc. Ở phần đầu của bộ phim, trong vài giây ngắn ngủi trước máy quay anh đã nói rằng : “Con sống không hạnh phúc. Con chỉ hạnh phúc bên cạnh má, với ba, với anh chị với gia đình”. Gia đình- ba, má, các anh trai, chị gái- đối với anh đại diện cho tình yêu thương đồng loại hiện hữu trong nhóm xã hội đầu tiên mà con người gặp gỡ, gia đình. Một sự tháo gỡ, cởi nút được sinh ra trong sự thay đổi vị trí cách nhìn của anh trước giá trị về tình yêu, trong lúc anh quan sát các hình ảnh về quá trình chuyển đổi từ dương vật sang âm vật, chúng ta có thể nói rằng cái “giá trị hơn” mang theo trong giới tính nữ đã thắng thế.

Cuộc gặp gỡ với bác sĩ phẫu thuật ở Thái Lan đánh dấu một sự chuyển đổi trong các khung hình, máy quay không còn tập trung hoàn toàn vào khuôn mặt và lời nói của Phong mà quay lại những cuộc gặp gỡ của anh trong xã hội : quá trình chuyển tiếp đang được tiến hành. Phong, mà công việc chính của anh là sửa chữa những con rối trong nhà hát để khiến chúng trở nên đẹp đẽ, sẽ thay đổi vai trò xã hội cho chiếc mặt nạ của chính bản thân anh. Trước đây anh bắt buộc phải che giấu sự nữ tính như một chiếc mặt nạ bí mật. Trong khi đó, dương vật là thứ bị giảm giá trị trong vai trò như một chiếc mặt nạ xã hội, giờ đây đã có thể được cởi bỏ. Điều này là kết quả của một quá trình tiến triển rõ ràng, hiển nhiên mà bản năng nữ giới đã khẳng định sự thắng thế. Nỗi sợ hãi rằng bác sĩ phẫu thuật sẽ chế giễu anh, chế giễu sự nữ tính của anh là một chi tiết quan trọng. Sự đòi hỏi của xã hội phải sống đúng như giới tính quy định bởi mặt giải phẫu học và lời chế giễu dành cho những người có sự nhập nhằng không rõ ràng trong giới tính là nguồn gốc nuôi dưỡng những tổn thương. Việc sử dụng liệu pháp hóc-môn đã đẩy nhanh thêm quá trình nữ tính hoá, “anh ấy” trở thành “cô ấy”. Sự nối kết giữa việc có những cảm giác về một cơ thể phụ nữ, một hình ảnh phụ nữ cùng với việc có thể được gọi là “con gái”mang cô về một cuộc sống thực sự đáng sống. Góc quay biện chứng được thiết lập trong những cuộc gặp gỡ của cô với những người phụ nữ khác, phụ nữ chuyển giới, gái điếm, những người đàn ông, cũng như các anh trai và chị gái của cô, những người mà sẽ ở bên cô trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chuyển đổi diễn ra ở Bangkok. Mối quan hệ biện chứng được thể hiện trong phản ứng của mọi người liên quan đến vấn đề về phẩm giá phụ nữ lưu hành trong xã hội. Điều này kéo đến một sự bàn luận, đặt lên bàn cân một “giá trị hơn” về phái nữ trong những trao đổi với những người khác, tạo tiền đề cho những mối quan hệ xã hội mới, một cuộc cách mạng trong các mối quan hệ xã hội so với thời kì trước. Và từ “đẹp” đối với Phong sẽ là đại diện bất biến của “giá trị hơn” này dù cho trước mặt anh người đối thoại có là ai.

Chuyển giới xáo trộn một trật tự, mà luôn luôn và trước hết là trật tự gia đình. Đối với cha Phong, điều này có vẻ đơn giản. Lối suy nghĩ của ông dung nạp việc chuyển giới của Phong vào thế giới mà anh đang sống, thế giới của sự phát triển và cách mạng hoá khoa học kĩ thuật. Cũng như nhờ có khoa học, những người chuyển giới, khi xưa bị giam cầm trong một cơ thể mà họ cảm thấy không thuộc về mình, đã có thể tìm thấy một lối thoát. Trong bối cảnh ấy, Phong với tư cách là một cô gái mang giá trị “con gái” trong xã hội vẫn sẽ luôn là đứa con yêu thương của ông, người sẽ đại diện cho cuộc cách mạng, cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam anh hùng. Về phía người mẹ, câu chuyện lại phức tạp hơn. Chính trong một cuộc trò chuyện cùng Phong và các anh trai của anh mà bà đã chuyển hướng từ vị trí chối bỏ sang một sự chấp thuận. Câu chuyện xoay quanh chủ đề danh xưng “con gái” được gán cho Phong như thế nào trong gia đình. Trong một nhóm đã được tạo thành như thế, mọi thứ vận hành rất đơn giản : một giá trị vận hành trong sự ràng buộc với một giá trị khác. Giá trị của một từ đối với một người vận hành trong mối liên hệ với giá trị của một từ khác. Cũng tương tự như thế trong trường hợp đối với một hình ảnh hay một cảm nhận về cơ thể. Trò chơi về những giá trị mang theo này vận hành trong một mối tương quan với xã hội cùng với những tước đoạt mà xã hội này thực thi. Trong cuộc họp mặt gia đình giữa Phong/ các Anh Trai /Chị Gái/ Mẹ, điều sẽ được nói đến là cặp đôi giá trị Con Gái/Đẹp, thứ mà đối với Phong chính là đại diện cho một “giá trị hơn” trong sự tồn tại của cô ở thế giới này. Trò chơi giá trị chạm trán trò chơi biểu tượng, về thứ đại diện cho một giá trị, cặp đôi biểu tượng-giá trị và làm như thế nào chúng vận hành, tác động một cách vô thức đến sự chấp thuận hay chối bỏ của mọi người trong nhóm. Ở đây ta thấy xuất hiện một tam giác gồm ba nhân tố. Điều gì diễn ra trong sự thay đổi góc nhìn của người mẹ? Hai anh trai của Phong nói với cô bằng cách riêng của mỗi người rằng Phong/ Con gái / Đẹp không hề liên quan đến nhau : rằng cô không phải con gái hoặc nếu cô có là con gái thì cô cũng không đẹp. Chính sự liên kết này trong cuộc đối thoại giữa các con đã khiến người mẹ chuyển từ thái cực chối bỏ việc mất đi một đứa con trai bé bỏng điển trai sang sự chấp thuận vì có được một cô con gái xinh đẹp. Tất cả phụ thuộc vào giá trị của từ “đẹp” trong mối tương quan với giá trị của từ “con gái” và vậy thì chúng biểu lộ cho điều gì? Người mẹ đã coi từ “đẹp” – đối với Phong mang ý nghĩa nhiều hơn cái giá trị trao đổi mà nó được gán cho trong suy nghĩ của những người đàn ông – như một sự giảm giá trị : cùng với từ này trong mắt mẹ Phong trở thành một người phụ nữ dễ dãi, người mà có thể sẵn sàng hiến thân cho đàn ông để được công nhận như một người phụ nữ. Nhưng mặt khác bà cũng thấy Phong đẹp, trái ngược với những gì các con trai bà nói. Anh ấy đã trở thành “Cô ấy” trong mắt mẹ. Một sự chuyển dịch giá trị đã diễn ra trong vô thức, một vô thức xã hội đồng thời cũng là một vô thức cá nhân được cá biệt hoá.

Còn điều gì chúng ta cần nói thêm, hoặc nếu không có lẽ chúng ta cần phải xem “Finding Phong” và xem đi xem lại bộ phim này. “Finding” không chỉ tương đương với động từ “trouver”(tìm thấy) trong tiếng Pháp. Theo những ngữ cảnh xã hội khác nhau, nó có thể mang ý nghĩa “attirer” (lôi cuốn, lôi kéo), “reconnaître”(thừa nhận), “chercher”(tìm kiếm), “découvrir”(khám phá), “conclure”(kết thúc), “résulter”(do bởi), “juger”(phán xét), từng ấy ý nghĩa mà những người mang theo mình câu hỏi về chuyển giới gặp phải trong cuộc đời họ. Một người chuyển giới từ nam thành nữ (MTF) đã từng nói với tôi rằng các nam bác sĩ nên có một kì thực tập về nữ giới trong quá trình học y của họ. Dù thiếu một kì thực tập như thế, bộ phim này đã mô tả cuộc sống của một người chuyển giới, một quá trình chuyển đổi giới tính theo một cách rất đẹp đồng thời mang đầy tính giáo dục.

Bộ phim đã làm sống dậy vấn đề chuyển giới ở Việt Nam như một câu hỏi xã hội có tính toàn cầu về giới tính của con người.

Sau khi xem bộ phim này, liệu ai có thể không đồng tình rằng chuyển giới không phải là một căn bệnh mà là một vấn đề xã hội và việc quy kết nó như một bệnh lý tâm thần là một sự tổn hại đến phẩm giá con người.


(Bùi Thị Quỳnh Anh dịch)



Illustration : Giorgio de Chirico

Comments


Archive
Search By Tags
Nous Suivre
  • Facebook Basic Square
bottom of page